Home / Truyện cười / Truyện cười dài / Tôi đi thi đại học

Tôi đi thi đại học

Tôi đi thi đại học

 Nhanh thật! Thấm thoắt đã một năm trôi qua, một mùa thi đại học nữa lại về! Giờ này năm trước, tôi vẫn đang miệt mài với những bài văn mẫu, ngập đầu với những công thức toán học, và hùng hục với đống ngữ pháp tiếng Anh phức tạp.

Chỉ đến trước ngày thi, khi các nội dung ôn tập được tôi nắm vững, đọc thuộc làu làu, lúc ấy, tôi mới quay sang photo tài liệu, rồi cặm cụi ngồi gấp phao, chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc chiến đầy thử thách, gian lao.

Sáng hôm thi môn đầu tiên, vì sợ tắc đường nên tôi đến địa điểm thi khá sớm. Nhìn đồng hồ thấy còn nửa tiếng nữa mới tới giờ thi, tôi thong thả tiến ra phía cổng tìm mua đồ ăn sáng. Vừa thấy tôi, một chị bán xôi đã đon đả chào mời:

– Xôi đi em ơi! Xôi xúc xích nóng hổi vừa bóp vừa thổi nào!

– Bán cho 5 nghìn, nhiều thịt, nhiều xúc xích nhé!

– 5 nghìn khó bán lắm em ơi, giờ ai ăn xôi 5 nghìn nữa?!

– Vậy cho 10 nghìn!

Chị bán hàng thoăn thoắt lấy xôi vào một miếng lá chuối rồi đưa cho tôi. Tôi đặt gói xôi vào lòng bàn tay, nắn bóp liên hồi khiến nắm xôi trở thành một khúc tròn tròn, cong cong, dài dài, nhìn rất hài. Xong, tôi bẻ đôi khúc xôi ấy thành hai đoạn bằng nhau, một nửa tôi ăn, nửa còn lại đưa trả lại chị bán xôi kèm theo tờ tiền 5 nghìn…

– Trả chị này! Em lấy một nửa là 5 nghìn đúng không? Có vậy thôi mà kêu khó bán!

Ăn xong xôi, tôi lững thững đi về phòng thi. Chà! Phòng tôi nhiều gái xinh quá! Có em còn diện váy ngắn, áo hai dây, ngực với đùi lòi ra cả đống hây hây, trắng xóa. Đứng đợi khá lâu mà vẫn chưa được gọi vào phòng, tôi sốt ruột lại gần một thầy giám thị nhìn khá hiền, thầy mặc chiếc áo vest màu xanh thiên thanh, thắt cái cà-vạt hồng rực như cam Canh.

– Thầy ơi! Sao vẫn chưa cho thí sinh vào phòng ạ? Bọn em đợi lâu quá rồi!

– Đừng gọi mình là thầy, gọi là anh thôi!

– Dạ vâng! Thế khi nào bắt đầu gọi thí sinh vào hả anh?

– Anh không rõ, vì anh cũng đi thi thôi mà!

– Hả? Anh là thí sinh?

– Ừ, anh thi năm nay là năm thứ 6 rồi!

– Đi thi thôi mà, có cần phải mặc lịch sự như thế không?

– Là sở thích thôi em! Sáu năm rồi, năm nào đi thi anh cũng mặc bộ này! Nó giúp anh thấy tự tin và làm bài tốt hơn!

– Dạ! Vậy năm nay anh quyết tâm lắm nhỉ! Em thấy mắt anh thâm quầng kìa, chắc thức đêm ôn bài nhiều hả?

– Không! Vết thâm này là do đêm qua anh nằm giường đọc sách, rồi ngủ gật nên bị sách rơi vào mặt!

Câu chuyện của tôi và anh ấy bị ngắt quãng bởi giám thị đã bắt đầu gọi thí sinh vào phòng. Và hình như là có duyên thì phải, bởi tôi và anh lịch sự ấy lại ngồi cùng bàn với nhau. Thế này thì tôi cũng yên tâm phần nào, bởi ít ra anh ấy cũng đã có 6 năm đi thi, hẳn kinh nghiệm và kiến thức sẽ vững vàng lắm!

Cầm cái đề thi trên tay, tôi run run, toát mồ hôi hạt. Đề dài và khó quá, lại là đề trắc nghiệm nên không có thời gian để tôi giở phao hay là sử dụng tài liệu được. Đang hoang mang tột độ thì chợt thấy có người đá đá vào chân mình. Tôi quay sang, thì ra là anh lịch sự…

– Có phao không? Cho anh mượn phát!

– Đậu! Anh đi thi mà không chuẩn bị phao sao?

– Có, nhưng anh tưởng sáng nay thi Văn nên không mang phao theo!

Tôi móc hết đống phao giấu trong quần ra rồi quẳng cho anh ấy. Bởi đằng nào thì tôi cũng không định dùng. Thế nhưng, bà giám thị hình như đã phát hiện ra thì phải, tôi thấy bà ấy đột nhiên lại gần bàn của hai chúng tôi, rồi mắt gườm gườm, nhìn chằm chặp vào phía dưới ngăn bàn. Khổ thân anh lịch sự, bị bà ấy để ý rồi, không biết anh ấy sẽ xoay sở ra sao đây? Vậy nhưng tôi thấy anh ấy rất tự tin, móc trong túi ra một cái lọ nhỏ, đặt lên bàn…

– Cái gì đấy anh? – Tôi hỏi bằng giọng thều thào.

– Bảo bối! Cái này chỉ dùng trong trường hợp nguy cấp thôi!

Tôi tò mò quá, không hiểu trong cái lọ ấy có gì mà lại có thể giúp anh ấy vượt qua thời khắc khó khăn này được nhỉ? Rất nhanh, anh lịch sự mở nắp lọ và lấy ra một đồng xu cổ. Rồi anh vẽ một vòng tròn rất to trên tờ giấy nháp, vẽ thêm hai đường vuông góc cắt nhau tại tâm đường tròn, chia đường tròn làm 4 phần A, B, C, D bằng nhau. Anh lịch sự cầm đồng xu, chắp tay trước mặt lầm rầm khấn vái rồi thả đồng xu rơi xuống cái đường tròn ấy. Đồng xu xoay xoay mấy vòng rồi nằm gọn trong phần chữ A của đường tròn. Lập tức anh lịch sự chọn A là đáp án cho câu 1. Cứ như vậy, chỉ vài phút sau đã thấy anh ấy làm đến câu 12 rồi. Tôi thì vẫn chưa làm được câu nào nên cũng hơi sốt ruột…

– Cách này có hiệu quả không anh? – Tôi hỏi bằng giọng hoài nghi.

– Hiệu quả chứ! Năm nào đi thi anh cũng dùng cách này mà!

– Dạ! Vậy anh cho em chép với!

Thế là môn thi đầu tiên đã kết thúc tốt đẹp. Chưa bao giờ đi thi mà tôi lại làm xong bài chỉ trong vòng 10 phút như thế! Tôi phấn khởi lắm, thấy tinh thần phấn chấn, tràn đầy tự tin, sẵn sàng cho môn thi Văn buổi chiều, bởi đây là môn tôi tự tin nhất! Quả đúng vậy, cầm đề Văn trên tay, tôi không có cảm giác run rẩy, lo sợ nữa. Đề Văn yêu cầu “Phân tích bài thơ Tràng Giang của Huy Cận”. Trúng tủ rồi! Tôi mỉm cười hài lòng và bắt đầu cầm bút làm bài:

“Tràng Giang là bài thơ của Huy Cận viết về một anh chàng tên là Giang. Ấy vậy mà ngay từ cái tên bài thơ, tác giả đã viết sai chính tả, bởi nếu viết đúng thì tên bài thơ phải là Chàng Giang. Em cũng không hiểu sao một nhà thơ nổi tiếng lại có thể mắc một cái lỗi chính tả ngớ ngẩn đến thế? Có thể, tác giả bị cận nên nhầm lẫn chăng? Nhưng tại sao cả một ngành giáo dục với rất nhiều những giáo sư, tiến sĩ cũng không phát hiện ra cái lỗi chính tả ấy, lại còn đưa bài thơ ấy vào sách giáo khoa, rồi đưa vào đề thi đại học? Đó là hậu quả của thói quen làm việc vô trách nhiệm, cẩu thả, để rồi thế hệ học sinh chúng em đây phải nhận hậu quả…”

Đang say sưa với mạch văn tuôn trào, với dòng xúc cảm dâng cao, chợt tôi thấy có người níu áo, giọng thều thào. Hóa ra là anh lịch sự…

– Phân tích xong bài thơ chưa em? Cho anh chép với!

Đương nhiên là tôi cho anh ấy chép, bởi tôi không phải là người ích kỷ, hẹp hòi. Có lẽ vì vậy mà hai anh em trở nên thân thiết hơn. Thi xong môn Văn, anh rủ tôi về phòng trọ của anh ấy chơi. Anh ấy còn mua cả thịt chó, vịt nướng, và mấy chai Vodka để liên hoan, mừng cho cả hai anh em đều làm được bài. Vui nên chúng tôi uống rất nhiệt tình, toàn trăm phần trăm. Có lẽ, khi rượu vào là khi người ta nói ra những lời thật lòng nhất, bởi tôi thấy giọng anh rưng rưng, nghèn nghẹn…

– Anh mời em chén này thay cho lời cảm ơn! Giá như gặp em sớm hơn thì chắc anh đã không phải thi đến sáu lần như thế này!

– Nó là cái duyên thôi anh ạ! Chúc mừng anh sắp thoát khỏi kiếp đi thi! Dù vẫn còn một môn nữa nhưng em tin là nếu cứ làm bài tốt như hai môn vừa rồi thì anh em mình muốn trượt cũng khó! Biết đâu sau khi vào trường, chúng ta lại được xếp vào chung một lớp thì sao?

– Được thế thì còn gì bằng! Nhưng kể cả khác lớp cũng không sao, mình vẫn là anh em tốt của nhau! Cạn ly nào!

Cứ thế, cuộc vui kéo dài tới quá nửa đêm! Tôi phải chạy ra ngoài mua thêm đồ nhắm, và thêm mấy chai Vodka nữa! Rồi sau đó, tôi cũng chẳng nhớ mọi việc xảy ra như thế nào, chỉ biết rằng sáng hôm sau, tôi bị đánh thức bởi ánh mặt trời chói chang chiếu thẳng vào mắt. Tỉnh dậy, đầu óc tôi quay cuồng, ê ẩm! Vỏ chai, bát đũa, cốc chén, và cả thức ăn thừa vương vãi, bừa bãi, la liệt khắp nhà. Còn ở góc nhà, anh đang ngồi ôm gối khóc tu tu. Tôi sực tỉnh, vùng dậy, chạy tới kéo anh lên, giọng hốt hoảng:

– Đi thi, đi thi thôi anh!

Anh lại càng khóc to hơn, giọng nấc lên đầy chua chát:

– Mặt trời lên đến đỉnh đầu rồi, còn thi gì nữa?!

Mới đó mà đã một năm trôi qua rồi! Giờ, tôi đã là chủ của một trang trại vịt lên tới hàng nghìn con, cung cấp trứng và thịt cho toàn bộ bà con trong khu vực. Hằng ngày đi chăn vịt, nhìn đàn vịt nhảy nhau hào hứng trên sông, tôi thấy mình như cũng vui lây, thấy lòng nhẹ nhàng, thanh thản đến lạ kỳ. Giờ, tôi đã tự kiếm được tiền lo cho bản thân mình, đã có tiền dành dụm gửi về giúp ba mẹ, còn hơn khối đứa học đại học mà bị nhà trường đuổi học vì đánh nhau, vì trộm cắp, cờ bạc, rồi bố mẹ phải mang tiền lên để trả nợ, để chuộc xe, chuộc đồ…

Tôi thấy rằng, học đại học cũng tốt, nhưng nếu không được học cũng không phải là thảm họa. Bởi suy cho cùng, mục đích của việc dạy học cũng chỉ là để tạo ra những con người có ích cho xã hội. Vì vậy, chỉ cần bạn lao động chăm chỉ, sống có ích cho xã hội thì việc bạn có học đại học hay không cũng không còn quan trọng nữa! Tiện đây, mình cũng xin thông báo là mình nhận tư vấn giúp đỡ mở trang trại vịt miễn phí đồng thời cung cấp vịt giống giá rẻ cho những ai có nhu cầu nuôi vịt như mình. Đặc biệt, nhân dịp kỳ thi đại học năm 2014, mình cam kết giảm giá 30% cho những bạn sinh năm 96 có nhu cầu mở trang trại vịt. Thời gian khuyến mại bắt đầu từ khi các trường chính thức công bố điểm thi đại học cho đến khi các trường đã tuyển đủ chỉ tiêu (bao gồm cả nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3). Chúc các bạn thi tốt và rất mong được hợp tác làm ăn cùng các bạn!

Check Also

Fan chân chính

Fan chân chính

 10 giờ đêm, tôi vẫn còn lúi húi chuẩn bị đồ. Cái ba lô được …